XÉT NGHIỆM SÀNG LỌC KHÁNG THỂ BẤT THƯỜNG

Sơ lược về hệ thống nhóm máu

Kháng nguyên, kháng thể

– Kháng nguyên là hệ thống các protein trên bề mặt hay màng hồng cầu, có liên quan về mặt di truyền tạo thành hệ thống nhóm máu. Đây là những phần tử có thể gắn với kháng thể đặc hiệu, có khả năng đáp ứng kích thích miễn dịch.

– Mỗi hệ nhóm máu có thể bao gồm nhiều loại kháng nguyên khác nhau. Cho đến nay, có khoảng 43 hệ nhóm máu khác nhau được Hiệp hội truyền máu quốc tế công nhận, trong đó hệ nhóm máu ABO là quan trọng nhất.

– Kháng thể có bản chất là globulin miễn dịch, gồm 5 lớp khác nhau: IgM, IgG, IgA, IgE và IgD. Những kháng thể này có khả năng gắn với kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu, gây ra các đáp ứng miễn dịch, trong đó IgM và IgG là các lớp kháng thể có liên quan nhiều nhất đến hoạt động truyền máu.

– Kháng thể gồm hai loại:

+ Kháng thể tự nhiên là kháng thể xuất hiện từ khi mới sinh, không qua kích thích miễn dịch (kháng thể tự nhiên hệ ABO).

+ Kháng thể miễn dịch (kháng thể bất thường): xuất hiện sau khi có kích thích miễn dịch, do truyền máu hoặc chửa đẻ nhiều lần.

Kháng thể bất thường

– Là các kháng thể chống lại kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu ngoài hệ nhóm máu ABO. Kháng thể này thường có bản chất là IgG, tuy nhiên cũng hay gặp kháng thể thuộc loại IgM.

– Các kháng thể này xuất hiện khi cơ thể người bệnh (hoặc sản phụ) tiếp xúc trực tiếp với một hoặc nhiều kháng nguyên có trên bề mặt hồng cầu của người hiến máu (hoặc của con), nhưng các kháng này lại không có trên bề mặt hồng của chính họ. Vì vậy, quá trình đáp ứng miễn dịch của cơ thể sẽ sinh ra các kháng thể chống lại các kháng nguyên “lạ” này, và gọi là các kháng thể bất thường.

– Hiệu giá kháng thể có thể tăng lên sau mỗi lần tiếp xúc với kháng nguyên, gây ra các phản ứng truyền máu, tan máu ở trẻ sơ sinh,…

Hậu quả của việc sinh kháng thể bất thường ở người bệnh

– Gây tai biến truyền máu cho người bệnh: có thể là tan máu cấp trong lòng mạch với các triệu chứng lâm sàng rất nguy kịch và trầm trọng (huyết sắc tố của bệnh nhân tụt rất nhanh, trụy mạch, hạ huyết áp, suy thận cấp), nếu không xử trí kịp thời bệnh nhân có thể tử vong. Tai biến truyền máu cũng có thể là phản ứng tan máu muộn với các biểu hiện tan máu ngoài lòng mạch, xuất hiện sau truyền máu vài tuần, bệnh nhân thường có những biểu hiện: sốt, vàng da, nước tiểu sẫm màu, tăng bilirubin trong máu.

– Gây bệnh vàng da tan máu ở trẻ sơ sinh: kháng thể bất thường có sẵn trong huyết thanh của người mẹ còn có thể gây bệnh vàng da tan máu ở trẻ sơ sinh nếu có bất đồng kháng nguyên nhóm máu giữa mẹ và con.

Sàng lọc kháng thể bất thường

Vai trò

– Giảm nguy cơ phản ứng truyền máu, đảm bảo an toàn truyền máu, đặc biệt ở bệnh nhân có nguy cơ cao (cần truyền máu nhiều lần).

– Liên quan đến chẩn đoán ở bệnh nhân sảy thai nhiều lần, tan máu trẻ sơ sinh.

Chỉ định xét nghiệm sàng lọc kháng thể bất thường

– Người bệnh dự kiến phải truyền máu:

+ Có tiền sử truyền máu.

+ Phụ nữ có tiền sử chửa, đẻ, sảy thai nhiều lần.

+ Nếu trong quá trình điều trị, người bệnh cần truyền máu nhiều lần, nhiều ngày, phải làm lại xét nghiệm này định kỳ không quá 7 ngày một lần.

– Sàng lọc người cho máu.

– Bệnh nhân có tai biến truyền máu.

– Nghi có bất đồng nhóm máu mẹ – con.

Nguyên lý xét nghiệm sàng lọc kháng thể bất thường

– Dựa vào hiện tượng ngưng kết của phản ứng kháng nguyên kháng thể tương ứng.

– Kháng thể bất thường có thể là IgM, nó có thể gây ngưng kết hồng cầu trực tiếp và quan sát được. Nó cũng có thể là kháng thể miễn dịch (có bản chất IgG), các kháng thể này thường được cảm nhiễm lên bề mặt hồng cầu, nhưng không gây ngưng kết HC trực tiếp. Do vậy, để phát hiện các kháng thể loại IgG trong phòng thí nghiệm, người ta phải áp dụng một số biện pháp như: thay đổi nhiệt độ, sử dụng môi trường có lực ion thấp (đệm LISS), enzyme protein, môi trường đại phân tử và đặc biệt là sử dụng môi trường kháng globulin (AHG: Anti Human Gamma globulin) để hỗ trợ gắn các kháng thể IgG này lên hồng cầu hoặc làm cầu nối để nối các hồng cầu đã được cảm nhiễm bởi kháng thể, nhờ vậy có thể quan sát được bằng mắt thường hiện tượng ngưng kết.

Cách thực hiện

Chuẩn bị:

Bệnh phẩm: 2 ml máu được chống đông bằng EDTA

3-4 ml máu không chống đông

Bộ panel hồng cầu (O1, O2, O3) đã xác định phenotype (các hệ nhóm máu thường gặp)

Hóa chất AHG (lọ dung dịch, gelcard), dung dịch NaCl 0.9%, dung dịch đệm LISS.

Tiến hành xét nghiệm:

Bước 1: Lấy sinh phẩm panel hồng cầu ra khỏi tủ lạnh để ở nhiệt độ phòng 10-15 phút trước khi sử dụng.

Bước 2: Lắc đều trước khi sử dụng

Bước 3: Sàng lọc kháng thể bất thường ở điều kiện 220C

+ Chuẩn bị 3 ống nghiệm sạch, đánh số theo thứ tự từ O1, đến O3, và ghi thông tin bệnh nhân lên ống nghiệm.

+ Nhỏ vào mỗi ống nghiệm ở trên 1 giọt hồng cầu tương ứng từ O1 đến O3.

+ Nhỏ vào mỗi ống nghiệm ở trên 2 giọt huyết thanh bệnh nhân.

+ Trộn đều hồng cầu sàng lọc kháng thể bất thường với huyết thanh của bệnh nhân.

+ Ly tâm các ống nghiệm với tốc độ 1000 vòng/phút trong vòng 20 giây.

+ Đọc kết quả bằng mắt thường và trên kính hiển vi, ghi lại kết quả vào phiếu xét nghiệm.

Bước 4: Sàng lọc kháng thể bất thường ở điều kiện 370C

+ Ủ các ống nghiệm trên ở bình cách thủy 370C trong vòng 30 phút, nếu thêm 2 giọt đệm LISS vào ống nghiệm trước khi ủ thì chỉ ủ trong vòng 15 phút.

+ Sau khi ủ, ly tâm các ống nghiệm trên với tốc 1000 vòng/phút trong vòng 20 giây. + Đọc kết quả bằng mắt thường và trên kính hiển vi, ghi lại kết quả vào phiếu xét nghiệm.

Sàng lọc kháng thể bất thường cho bệnh nhân ở điều kiện kháng globulin người bằng kỹ thuật gelcard:

Bước 1: Lấy sinh phẩm panel hồng cầu ra khỏi tủ lạnh để ở nhiệt độ phòng 10-15 phút trước khi sử dụng.

Bước 2: Lắc đều trước khi sử dụng

Bước 3: Chuẩn bị hồng cầu khối O1, O2, O3, như sau:

+ Chuẩn bị 3 ống nghiệm sạch, khô, ghi nhãn lần lượt O1, O2, O3, lên ống nghiệm. + Hút sinh phẩm panel hồng cầu sàng lọc kháng thể bất thường trong các lọ đựng sinh phẩm nhỏ vào các ống nghiệm tương ứng đã chuẩn bị ở trên.

+ Quay ly tâm các ống nghiệm trên với tốc độ 3000 vòng/ phút trong vòng 1 phút.

+ Dùng pipet hút kiệt dịch nổi để thu được hồng cầu khối.

Bước 4: Pha dung dịch hồng cầu panel sàng lọc kháng thể bất thường 1% bằng cách: + Chuẩn bị 3 ống nghiệm sạch, khô, ghi nhãn lần lượt O1, 1%, O2, 1%, O3, 1%.

+ Nhỏ vào các ống nghiệm đã chuẩn bị ở trên 1000 µl dung dịch đệm LISS.

+ Thêm 10 ul hồng cầu khối từ O1 đến O3 lần lượt vào các ống nghiệm trên, trộn đều, thu được dung dịch hồng cầu 1%

Bước 5: Đánh số thứ tự từ O1 đến O3 và ghi thông tin bệnh nhân lên tấm gelcard có kháng globulin người.

Bước 6: Nhẹ nhàng mở tấm bảo vệ phủ lên các cột gel.

Bước 7: Nhỏ lần lượt 50 µl các dung dịch hồng cầu 1% đã chuẩn bị ở trên vào các giếng gelcard tương ứng đã được đánh số thứ tự từ O1 đến O3.

Bước 8: Thêm 25 ul huyết thanh của bệnh nhân vào các giếng gelcard trên.

Bước 9: Ủ tấm gelcard trong máy ủ gelcard chuyên dụng trong vòng 15 phút.

Bước 10: Ly tâm tấm gelcard trong vòng 10 phút bằng máy quay ly tâm gelcard chuyên dụng.

Bước 11: Đọc và ghi lại kết quả vào phiếu xét nghiệm.

Bước 12: Nhận định kết quả: Xác định mức độ ngưng kết dựa vào các tiêu chuẩn sau:

Ngưng kết 4+: Các đám ngưng kết nằm trên bề mặt của cột gel, không có hồng cầu tự do.

Ngưng kết 3+: Các đám ngưng kết nằm ở 1/3 trên của cột gel, không có hồng cầu tự do.

Ngưng kết 2+: Các đám ngưng kết nằm ở 2/3 dưới của cột gel, có ít hồng cầu tự do.

Ngưng kết 1+: Các đám ngưng kết nằm ở 1/3 dưới của cột gel, có nhiều hồng cầu tự do.

Âm tính: Hồng cầu tự do nằm ở phần đáy của cột gel.

Đọc kết quả sàng lọc kháng thể bất thường:

Nếu kết quả âm tính ở cả 3 điều kiện 22°C, 37°C và kháng globulin người. Kết luận: Không có kháng thể bất thường trong huyết thanh bệnh nhân.

Nếu kết quả dương tính ở 1 trong 3 điều kiện 22°C, 37°C và kháng globulin người với 1 hoặc 3 hồng cầu hoặc dương tính ở cả 3 điều kiện với cả 3 hồng cầu. Kết luận: Có kháng thể bất thường trong huyết thanh bệnh nhân và tiến hành định danh kháng thể bất thường cho bệnh nhân.

Phải làm gì nếu kết quả sàng lọc kháng thể bất thường dương tính?

Người bệnh sẽ được làm thêm xét nghiệm định danh kháng thể bất thường để xác định chính xác bản chất của kháng thể (tên kháng thể, hệ nhóm máu nào).

Kết quả định danh kháng thể bất thường sẽ được trả cho người bệnh và lưu lại vào hồ sơ bệnh án. Nếu người bệnh cần phải truyền máu, thì những đơn vị máu cần được lựa chọn không chứa kháng nguyên hồng cầu tương ứng với kháng thể này để tránh xảy ra phản ứng truyền máu không mong muốn.

Người bệnh có kháng thể bất thường trong máu cần được theo dõi định kỳ theo chỉ định của bác sỹ để phát hiện sự sinh thêm các kháng thể bất thường loại khác cũng như sự mất đi của kháng thể bất thường hiện tại.

Nếu muốn được thực hiện kỹ thuật này tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân cần đăng ký với ai, thủ tục này thế nào?

Trường hợp người bệnh khám ngoại trú: Đăng ký ngay Tại phòng 107 – TT Huyết học và Truyền máu (tòa nhà B1), Hoặc liên hệ SĐT, Zalo: 0973488734 và fanpage chính thức của trung tâm để được hẹn lịch khám và tư vấn.

Link fanpage: https://www.facebook.com/huyehoctruyenmaubachmai

Trường hợp bệnh nhân nằm viện nội trú: Bác sỹ chỉ định xét nghiệm sàng lọc kháng thể bất thường và điều dưỡng lấy máu của bệnh nhân gửi lên phòng Xét nghiệm của Trung tâm Huyết học và Truyền máu, Bệnh viện Bạch Mai.

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *